Tổ quốc, nhân dân không bao giờ quên các anh.
40 năm trước, ngày 12/7/1984 là ngày diễn ra trận chiến khốc liệt nhất tại mặt trận biên giới Hà Giang với bí danh MB84. Cũng từ đó, 12/7 trở thành ngày buồn nhất của Sư đoàn 356, khi chỉ trong 1 ngày, 600 chiến sĩ hy sinh.

 
Vị Xuyên - vùng đất phên dậu địa đầu Tổ quốc đã hồi sinh
 
Những ngày tháng 7, địa danh Thanh Thủy (Vị Xuyên, Hà Giang) tấp nập hơn bởi những đoàn người từ khắp mọi miền đổ về. Tất cả đều hướng về Nghĩa trang liệt sỹ Vị Xuyên, nhà tưởng niệm các anh hùng liệt sỹ trên đồi 468.
Tháng 2/1979, hơn 60 vạn quân Trung Quốc xâm lấn biên giới Việt Nam, có nơi vào sâu trong đất liền tới 50km, phá hoại và san bằng thị xã Lào Cai, Cao Bằng, một phần thị xã Lạng Sơn cùng nhiều làng mạc.
Trong cuộc chiến đó, từ tháng 4/1984 đến 5/1989, Trung Quốc lần lượt đưa hơn 50 vạn quân của 8 trong 10 đại quân khu tiến công toàn diện biên giới Hà Giang, tập trung vào huyện Vị Xuyên với âm mưu vẽ lại đường biên giới tới phía bắc suối Thanh Thủy. Để giữ vững biên cương, 9 sư đoàn chủ lực cùng nhiều trung đoàn, tiểu đoàn trực tiếp tham chiến tại mặt trận Vị Xuyên.
Những trận đánh giữ đất của bộ đội Việt Nam diễn ra vô cùng quyết liệt trên các cao điểm 1509, 1100, 772, 685, Đồi Đài, Cô Ích, Bốn Hầm… Có những cao điểm bị bạt đi hơn 3m vì đạn pháo, ác liệt đến mức được gọi là "lò vôi thế kỷ". Quân dân Việt Nam đã tiêu diệt và làm bị thương hàng vạn quân Trung Quốc, buộc quân Trung Quốc phải rút quân về bên kia biên giới.
Theo Thiếu tướng Nguyễn Đức Huy, hiện vẫn còn hơn 2.000 liệt sĩ nằm rải rác khắp chiến trường Vị Xuyên chưa quy tập được hài cốt, nhiều mộ liệt sĩ chưa có tên trong nghĩa trang, hàng ngàn ha đồi núi đến nay vẫn còn vật liệu nổ làm ảnh hưởng đến cuộc sống nhân dân.

 
Hàng năm, cứ đến Ngày “giỗ trận” 12/7, những người lính Vị Xuyên năm xưa lại tề tựu về nghĩa trang Vị Xuyên, hát vang câu hát gửi đến đồng đội.
 
Vị Xuyên - tháng 7 không quên
Với những người lính đã chiến đấu trên mặt trận Vị Xuyên, ngày “giỗ trận” 12/7/1984 không chỉ là dịp để tưởng nhớ đến đồng đội đã ngã xuống mà còn là minh chứng rõ nét nhất cho một giai đoạn khốc liệt nhất của cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới phía Bắc.
Ông Lê Anh Quyển – lính Vị Xuyên năm 1984 chia sẻ: “Mình lên đây đúng năm 1984 đúng giai đoạn khốc liệt nhất của mặt trận này. Khi đánh nhau bọn mình có biết gì đâu, chỉ biết hướng sung về quân thù và không lùi bước. Sau này nghe các tướng kể lại, chỉ trong 3 ngày (12-14/7/1984), Trung Quốc đã bắn hơn 100.000 quả đạn pháo vào khu vực Vị Xuyên. Khái niệm “lò vôi thế kỷ” ra đời từ đó, do pháo bắn vào các vách núi đá khiến nó bị nung chín hóa thành vôi”.

 
Vị Xuyên - tháng 7 không quên
 
“Mặt trận Vị Xuyên - “Lò vôi thế kỷ” nổi lên với 3 cái nhất: Mặt trận nhỏ nhất; Tập trung nhiều sư đoàn nhất (9 sư đoàn) và… chết nhiều nhất. Nhưng bọn tôi đâu có ngán gì, vì Tổ quốc không tiếc máu xương. Hy vọng tinh thần ấy được tuổi trẻ ngày nay giữ mãi mỗi khi quốc gia có biến, để bảo vệ non sông, bảo vệ từng tấc đất tiền nhân để lại”, ông Quyển nói thêm.
Lời bài hát "Đồng đội ơi" cứ vang lên mãi theo dấu chân người lính.
"Đồng đội ơi! Tôi nhớ
Chiến tranh qua lâu rồi
Lòng vẫn thầm thì gọi
Đồng đội, đồng đội ơi!..."
"Tôi luôn về đây hát cho đồng đội tôi nghe, tôi hát những bài hát đi theo từng năm tháng để đồng đội tôi được nghe. Các anh nằm đây, có anh có tên, có anh chưa biết tên, chỉ mong tìm được tên tuổi, đưa các anh về quê mẹ, về nơi các anh sinh ra", ông Thanh bộc bạch.

 
Những người lính tuổi 18, 20 tham gia mặt trận Vị Xuyên
 
Mặt trận Vị Xuyên - Thanh Thuỷ được xác định là vùng chiến sự ác liệt nhất trong cuộc chiến tranh chống lấn chiếm biên giới phía Bắc 1984-1989. Trong vòng 4 tháng (4/1984 - 8/1984), Việt Nam đã loại khỏi vòng chiến đấu khoảng 7.500 quân Trung Quốc. Tuy vậy, đến nay chưa có tài liệu chính thức nào công bố tổng số người thương vong của hai phía. Cuộc chiến dù quy mô không lớn nhưng rất quyết liệt, căng thẳng và đau thương, như nhà thơ Lê Vân từng khắc khoải: Giặc Trung Quốc đánh Hà Tuyên/ Sông Nho Quế gầm lên bão sóng/ Súng trả lời với súng/ Xác quân thù chồng chất biên cương.
BP Truyền thông Marketing