Luật Đất đai đã ra đời hơn 30 năm, với 5 lần sửa đổi, bổ sung và gần nhất là vào năm 2013. Nhiều ý kiến cũng như Tờ trình của Chính phủ đã chỉ ra, sau hơn 9 năm thực thi, bên cạnh những kết quả đạt được, Luật Đất đai 2013 bộc lộ những điểm bất cập, chồng chéo so với các Luật khác dẫn đến  khó khăn trong quá trình tổ chức, thực hiện trong thực tiễn đối với cả cơ quan quản lý Nhà nước cũng như đối với người dân, doanh nghiệp. Việc sử dụng đất ở nhiều nơi còn lãng phí, hiệu quả thấp; nhiều dự án chậm hoặc không đưa đất vào sử dụng; có tình trạng bỏ hoang đất nông nghiệp; nguồn lực về đất đai trong thời gian qua thiếu vắng của thị trường đất đai minh bạch, rõ ràng đã tác động xấu, làm méo mó quá trình đô thị; tình trạng tham nhũng, trục lợi và thất thoát nguồn thu ngân sách liên quan đến đất đai vẫn còn diễn ra. Thực tế những năm qua, các kiến nghị, khiếu nại về lĩnh vực đất đai tiếp tục chiếm đa số trong tổng số đơn khiếu nại.
Trước những bất cập nêu trên, tại Kỳ họp thứ Nhất, Quốc hội khóa XV quyết định đưa dự án Luật Đất đai (sửa đổi) vào Chương trình Xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022 với kỳ vọng dự luật có thể giải quyết được những bất cập trong quản lý, sử dụng đất đai hiện nay. Ngoài ra, Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 16/6/2022 Hội nghị lần thứ năm về “Tiếp tục đổi mới, hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất, tạo động lực đưa nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao” Đây là định hướng chính trị quan trọng trong sửa đổi Luật Đất đai năm 2013 và hướng tới hoàn thiện pháp luật về đất đai.
Bộ Tài nguyên và Môi trường đã soạn thảo dự án Luật Đất đai (sửa đổi) và đưa ra lấy ý kiến rộng rãi các tầng lớp nhân dân để góp phần sửa luật hiệu quả. Theo đó, với tư cách là một đơn vị Chủ đầu tư và đơn vị phát triển dự án chuyên nghiệp, Tổng Công ty MBLand giành sự quan tâm đặc biệt tới những nội dung sửa đổi tại Dự thảo Luật đất đai so với Luật đất đai 2013 hiện đang có hiệu lực thi hành.
Ngoài các nội dung kế thừa Luật đất đai 2013, dự thảo Luật đất đai sửa đối có những nội dung dự kiến sẽ ảnh hưởng rất lớn tới thị trường bất động sản nói chung và việc đầu tư thực hiện, phát triển dự án, khai thác kinh doanh của các doanh nghiệp bất  động sản nói riêng.
Cụ thể, một trong những nội dung dự kiến sẽ ảnh hưởng lớn nhất đó là “Bỏ khung giá đất, sửa quy định về bảng giá đất, giá đất cụ thể”. Hiện tại, quy định về khung giá đất được nêu tại Điều 113 Luật Đất đai 2013 như sau:
“Chính phủ ban hành khung giá đất định kỳ 05 năm một lần đối với từng loại đất, theo từng vùng. Trong thời gian thực hiện khung giá đất mà giá đất phổ biến trên thị trường tăng từ 20% trở lên so với giá tối đa hoặc giảm từ 20% trở lên so với giá tối thiểu trong khung giá đất thì Chính phủ điều chỉnh khung giá đất cho phù hợp”.


Tuy nhiên, tại dự thảo Luật Đất đai sửa đổi đã bỏ quy định khung giá đất. Đồng thời, sửa đổi quy định về bảng giá đất tại khoản 2, điểm c,d khoản 3, khoản 4 Điều 130 và giá đất cụ thể, Hội đồng thẩm định giá đất tại khoản 1, điểm e khoản 2 và khoản 3 Điều 131 của Dự thảo Luật.
Tuy nhiên, tại Điều 19 của Dự thảo Luật có quy định về việc Nhà nước quyết định giá đất thông qua việc quy định nguyên tắc, phương pháp định giá đất; ban hành bảng giá đất và quyết định giá đất cụ thể. Như vậy, có thể hiểu rằng, việc bỏ khung giá đất không có nghĩa là chấm dứt toàn bộ sự quản lý của Nhà nước đối với việc xác định giá đất tại mỗi địa phương, mà chỉ là giảm bớt một thủ tục “cứng” trong quá trình định giá đất và không làm mất đi tính giám sát, kiểm soát của Nhà nước đối với giá đất.
Tuy nhiên, việc bỏ quy định khung giá đất sẽ ảnh hưởng rất lớn đến thị trường bất động sản trong thời gian ngắn sau khi Dự thảo Luật đất đai được ban hành và có hiệu lực. Theo đó, các doanh nghiệp và người dân sẽ có xu hướng hiểu rằng, nếu không có khung giá đất, vậy thì phương án, giá trị, chi phí bồi thường giải phóng mặt bằng đối với các hộ gia đình/ cá nhân/ tổ chức có đất bị thu hồi sẽ do hai Bên thỏa thuận mà không có giá “sàn”. Về lý thuyết, việc thỏa thuận có thể thúc đẩy tiến độ tạo lập quỹ đất nhanh hơn, hạn chế tình trạng dự án “treo” nhiều năm trời vì không giải phóng mặt bằng được, nhưng mặt khác, chi phí giải phóng mặt bằng cao sẽ đẩy giá nhà/đất của mỗi dự án lên một mức cao mới mà chưa có biện pháp kiểm soát.
Chi phí giải phóng mặt bằng cao, chủ đầu tư phải chi trả số tiền lớn hơn nhiều so với trước đây mới thực hiện được dự án sẽ loại bỏ/ hạn chế các chủ đầu tư yếu kém ra khỏi thị trường, sàng lọc những chủ đầu tư vừa có năng lực kinh nghiệm vừa có tiềm lực tài chính mới có thể thực hiện được Dự án.
Điều này mở ra cơ hội cho Tổng Công ty MBLand khi việc cạnh tranh thị trường trở nên khốc liệt hơn, những doanh nghiệp, chủ đầu tư theo yếu kém về năng lực, tài chính, kinh nghiệm sẽ khó khăn trong việc tạo lập, duy trì, thực hiện Dự án sẽ dần từ bỏ thị trường. Tổng Công ty MBLand với nhiều năm kinh nghiệm và tiềm lực tài chính vững mạnh vẫn sẽ tiếp tục khẳng định vị thế của mình bằng cách tạo ra giá trị tài sản khác biệt, sáng tạo - đây là những giá trị cốt lõi tạo nên thương hiệu MBLAND.