Nằm cạnh quốc lộ 2, tựa lưng vào dãy núi Tây Côn Lĩnh, phía trước hướng về sông Lô, Nghĩa trang liệt sĩ quốc gia Vị Xuyên có gần 1.900 phần mộ anh hùng liệt sĩ đã anh dũng chiến đấu hy sinh trong cuộc chiến bảo vệ biên giới phía Bắc. Trong đó có 346 mộ chưa xác định được thông tin. Các phần mộ liệt sĩ đều được lát đá trang trọng, có hoa và cờ Tổ quốc, cùng với hương khói quanh năm như khẳng định, đồng bào, nhân dân cả nước không bao giờ quên sự hy sinh anh dũng để bảo vệ từng tấc đất Tổ quốc của các anh hùng, liệt sĩ. Đài hương với kiến trúc 3 chân vững chắc. Đặc biệt trên đỉnh đài hương là 7 vòng tròn, tượng trưng cho 7 năm chiến đấu anh dũng bảo vệ biên giới Tổ quốc.

Nghĩa trang liệt sĩ Vị Xuyên nằm cạnh Quốc lộ 2, thuộc tổ 18 thị trấn Vị Xuyên, huyện Vị Xuyên, cách trung tâm huyện lỵ 2km, cách thành phố Hà Giang 18km về phía Nam.
 
Các phần mộ liệt sĩ đều được lát đá trang trọng, có hoa và cờ Tổ quốc cùng với hương khói quanh năm như khẳng định đồng bào, nhân dân cả nước không bao giờ quên sự hi sinh anh dũng để bảo vệ từng tấc đất Tổ quốc của các anh hùng, liệt sĩ.

         Trong cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc của Tổ quốc, quân và dân ta đã anh dũng chiến đấu, giữ từng tấc đất thiêng liêng. Những chiến công ấy đã ghi vào lịch sử của dân tộc. Với tinh thần “sống bám đá đánh giặc, chết hóa đá bất tử”, hàng ngàn cán bộ, chiến sĩ đã anh dũng hy sinh, hầu hết đều ở độ tuổi thanh xuân. Trong ký ức của những người lính năm xưa, mặt trận Vị Xuyên luôn là nơi hứng chịu rất nhiều đạn, pháo, hỏa lực mạnh của đối phương, những điểm cao 1509, 1200, 772, 685 ngày trước đạn cày đi xối lại, đất trở thành một màu xám xịt. Điểm cao 685 đá hóa thành vôi.
 
Người cựu chiến binh tham gia Cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc ở mặt trận Vị Xuyên năm xưa, trở lại Nghĩa trang liệt sỹ Quốc gia Vị Xuyên để thắp nén hương tưởng nhớ những người đồng đội đã hy sinh.
 
         Tại khuôn viên nghĩa trang này có Đền thờ liệt sĩ mới được xây dựng có tên của 4.000 liệt sĩ hy sinh ở mặt trận Vị Xuyên được khắc lên những tấm bảng đồng trang trọng; một bia đá khắc 9 chữ vàng: “Sống bám đá, chết hóa đá, thành bất tử”. Đây cũng là dòng chữ được khắc trên báng súng của anh hùng liệt sỹ Nguyễn Viết Ninh (người dân tộc Mường, quê ở xã Minh Hòa, huyện Yên Lập, tỉnh Phú Thọ) và là lời thề của thế hệ những người lính đã chiến đấu can trường trên mảnh đất này.

Và tháp chuông trước đền thờ lại ngân vang mỗi khi có đoàn khách tới thăm viếng, như thể hiện sự tri ân về miền xa thẳm. Được biết, mỗi ngày đều có các cá nhân, tổ chức tới thăm viếng nghĩa trang. Cao điểm vào các ngày lễ, tết lên tới hơn 6.000 lượt người tới đây.

 
 
Đài hương với kiến trúc 3 chân vững chắc, đặc biệt trên đỉnh đài hương là 7 vòng tròn tượng trưng cho 7 năm chiến đấu anh dũng bảo vệ Biên giới Tổ quốc.
 
Theo Đại tá Lại Tiến Giang, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Hà Giang: 45 năm về trước, mảnh đất Vị Xuyên (tỉnh Hà Giang) là chiến trường ác liệt nhất của cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc. Với ý chí "một tấc không đi, một ly không rời", quyết tâm giữ vững từng mỏm đồi, vách đá, điểm cao, với tinh thần quả cảm "sống bám đá đánh giặc, chết hóa đá, bất tử" quân và dân ta đã chặn đứng quân xâm lược, bảo vệ toàn vẹn biên cương của Tổ quốc. Trên 4.000 cán bộ, chiến sĩ đã anh dũng hy sinh, trên 9.000 người bị thương.

Tính đến cuối năm 2022, Nghĩa trang Vị Xuyên hiện là nơi an nghỉ của 1.872 liệt sĩ và một “Mộ liệt sĩ tập thể” các liệt sĩ hi sinh tại Hang Sập, bình độ 400, xã Thanh Thuỷ, Vị Xuyên.
 
         Chiến tranh đã đi qua, nhân dân đã được sống trong hòa bình, hạnh phúc, nhưng vẫn còn đó những nỗi đau thương, mất mát, day dứt khôn nguôi khi tại mặt trận Vị Xuyên hiện còn trên 2.000 hài cốt liệt sỹ chưa được tìm thấy, chưa thể cất bốc và quy tập trở về với quê hương, gia đình và đồng đội.

Có thể nói, cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc của Tổ quốc đã qua đi nhưng những chiến công oanh liệt, những hy sinh mất mát của các anh hùng liệt sĩ, người có công với đất nước mãi mãi được khắc ghi. Nơi đây "cháy mãi, sáng mãi ngọn lửa thiêng" tôn vinh dòng máu kiên trung, bất khuất thiết tha hiến dâng thân mình cho non sông đất nước của những người con trung hiếu.
Nghĩa trang Liệt sĩ Quốc gia Vị Xuyên không chỉ là công trình nghĩa tình mà còn là địa chỉ đỏ mang giá trị giáo dục truyền thống cách mạng, ý nghĩa nhất cho các thế hệ hôm nay và mai sau.
BP Truyền thông Marketing